Ngày nay, tại một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào hình thức Khất thực vẫn khá phổ biến…
Ở Việt Nam, hình ảnh này thường thấy trong cộng đồng người theo Phật giáo nam truyền ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Sài Gòn và một số tỉnh khác. Tuy nhiên, do có hiện tượng thật giả lẫn lộn nên Giáo hội đã có biện pháp tạm ngưng sinh hoạt khất thực ở Sài Gòn và một số tỉnh khác.
1. Thế nào là khất thực
Khất thực có nghĩa là xin ăn. Đó là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chính mạng thanh tịnh. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác.
Đi Khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc Y và một cái bình Bát. Chữ Bát có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung .
Hình thức đi Khất thực: Các Tỳ kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không.
Khi đi vị Khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, không bỏ qua nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên. Khi đi hết bảy nhà nếu không ai cúng dường cũng phải trở về với bát không và không ăn ngày hôm đó.
Ý nghĩa đi khất thực không phải ai cũng biết |
Thức ăn: Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Chư Tăng chỉ thọ nhận thực phẩm, ngoài ra những thứ khác như tiền bạc hay các vật dụng khác tuyệt đối không nhận.
Khi ăn xong, họ rửa bát, xếp gọn các y, ngơi nghỉ hay tịnh thất ngồi thiền định. Hằng năm, chư Tăng ni an cư vào ba tháng mùa mưa. Tất cả trở về sống chung trong các tịnh xá lớn. Trong thời gian này, chư Tăng không đi khất thực, đã có thiện nam, tín nữ, đến tịnh xá “để bát” và lo tứ sự cúng dường.
2. Ý nghĩa đi khất thực
2.1. Lợi cho mình
– Đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn: Trong quá trình đi khất thực, chư Tăng đi thành đoàn, ai thọ giới trước đi trước, thứ đệ cung kính nhau, vừa tập được tính khiêm cung, tự mình biết tàm quý, với những bước đi chầm chậm, mắt nhìn thẳng xuống đường không ngó qua lại, khẩu và ý thanh tịnh, thể hiện được sự bình thản, tự tại. Các yếu tố này tạo nên sự thoát tục của chư Tăng và trang nghiêm của Tăng đoàn.
2.2 Lợi ích cho chúng sinh như:
Thực tế thì không phải ai cũng biết Phật pháp, biết đi chùa, làm việc bố thí, cúng dường Tam bảo, tạo lập công đức. Vì thế, việc này khiến các vị tu hành và chúng sinh gần gũi với nhau hơn.
– Đi khất thực chính là đi bằng phương pháp thiền hành, với những bước chân nhẹ nhàng, khởi niệm từ tâm, nhất tâm cầu nguyện cho chúng sanh luôn được an vui, được thoát khỏi khổ đau, bệnh tật, oan trái, cũng tức là ban rải phước lành đến với tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, nam nữ, lão ấu; các vị mở rộng lòng từ với tất cả, luôn giữ tâm thanh tịnh, bình đẳng, chan chứa tình thương, nhu hòa trong ngôn ngữ, cử chỉ.
– Tạo cơ duyên giáo hoá chúng sinh, và dù người đó dù bố thí ít ỏi, nhưng việc làm đơn giản này mang lại phước báo vô lượng và sẽ mở đường cho việc tu hành giải thoát sau này. Khi đứng trước nhà nào, chư Tăng lại phải tịnh tâm quán tưởng thân, thọ, tâm, pháp để cho Phật tử ứng cúng được phước báo viên mãn.