Không phải ai cũng dành thời gian tìm hiểu kỹ về Phật giáo nên việc hiểu lầm về Đạo Phật diễn ra rất phổ biến. Thực tế thì những lời giáo huấn của Đức Phật để lại cho chúng ta lại rất gần gũi, có thể áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đạo cũng là đời cho nên chúng không hề đi xa thực tế mà thậm chí còn len lỏi trong cuộc sống để từ đó giúp ta điều chỉnh thân và tâm một cách dễ dàng.
Vì thế, không cần phải đợi đến khi ta có duyên tu hành mới có thể học theo lối sống của người tu hành, nếp sống giản dị của người học Phật nên được áp dụng ngay để cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng, an vui hơn bằng những bước cụ thể sau đây:
1. Giản dị trong sinh hoạt
Ta cũng có thể học tập nếp sống giản dị của người học Phật để điều chỉnh lại lối sống của bản thân.
Ví dụ như ta có đang mua sắm quá tay một cách thường xuyên đến nỗi quần áo lúc nào cũng trong tình trạng chất đống, đồ đạc trong nhà luôn dư thừa cũng vì thích là sắm, mệt mỏi vì lỡ mua căn nhà trả góp quá sức của mình,… Điều này có nghĩa là đã đến lúc ta phải thay đổi, kiềm chế bớt thói quen xấu này để thực hành lối sống giản dị.
Hãy nhìn tấm gương của tỷ phú Lý Gia Thành, dù không phải là bậc tu hành nhưng chỉ mặc một bộ vest đến gần chục năm, luôn đi những đôi giày cũ, đeo một chiếc đồng hồ 500 USD chạy bằng năng lượng Mặt trời, dù cả gia tài trị giá hàng chục tỷ USD.
Lúc này thử nhìn lại ta xem, ta thường xuyên có quá nhiều sai lầm về tiền bạc khiến tiền của hao hụt. Nếu ta nhận ra những sai lầm của mình vừa ăn mòn tâm trí và tổn hại tới tương lai thì nên tìm cách thay đổi càng sớm càng tốt.
2. Đạm bạc trong ăn uống
Thực ra, theo khoa học, ăn ít mới là tốt và từ hơn 2.500 năm trước, nhà hiền triết Socrate đã từng khuyên “Hãy rời bàn ăn khi hãy còn muốn ăn. Còn Hải Thượng Lãn Ông cũng nhắc nhở: “Muốn cho ngũ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng, nhìn thèm hơn đau”. Điều này cho thấy, ăn ít calo có thể giúp giảm bớt bệnh tật và tăng tuổi thọ.
Chúng ta không cố để ăn chay khi mà bản thân không ưa thích việc đó thế nhưng ta có thể chọn cách ăn uống đơn giản hơn để phòng bệnh. Khoa học đã chứng minh rằng bữa ăn quá nhiều chất, ăn nhiều thịt đều không tốt, gây quá tải cho bộ máy tiêu hóa rồi sinh ra bệnh tật.
Người xưa thường nói: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra”. Đúng là từ việc ăn uống đã gây ra không ít bệnh tật cho chính chúng ta. Đặc biệt là khi còn trẻ sống buông thả, luôn luôn phải chọn những món hợp với khẩu vị của mình, thường ăn uống quá độ, nên sau tuổi trung niên thì bệnh bắt đầu phát tác, khi về già thì phải chịu khổ vì quá nhiều bệnh tật.
Thế nhưng ngày nay chúng ta không biết rút kinh nghiệm, khi cuộc sống dư giả hơn chúng ta ngay lập tức tìm những đồ bổ dưỡng, thấy cái gì quý, cái gì bổ là cố gắng mua về để uống cho khỏe mạnh. Họ đâu biết rằng việc thừa chất cũng gây ra bệnh tật, không phải cái gì bổ với người ta cũng bổ với mình.
Trong khi đó, một sự thật là những ai đang sống ở vùng nông thôn lại là người sống thọ hơn người ở thành phố rất nhiều. Nhất là những người sống ở vùng quê xa xôi hẻo lánh, rất nhiều người thọ tới 90 tuổi, 100 tuổi, thậm chí ở tuổi đó họ vẫn còn làm việc, còn chưa nghỉ ngơi.
Tại sao cuộc sống khó khăn, không có của ngon vật lạ mà họ lại có thể khỏe mạnh sống lâu như vậy? Chính là vậy, cuộc sống giản dị, đồ ăn thức uống càng đơn giản là càng tốt cho sức khỏe, bí quyết để sống thọ.
3. Tận tụy với đời
Một bông hoa nở ra nó cần điều kiện của đất, gió, mưa, nắng,… và vô số yếu tố khác chứ không phải tự nhiên mà nó nở rộ được. Ta cũng vậy, ta nhờ vào các yếu tố như tinh ba huyết mẹ, nghiệp, thức ăn, nước uống, không khí để thở, môi trường để sinh sống, cộng đồng, xã hội,… Các yếu tố đan xen, chằng chịt tạo nên các sự kiện hay hiện tượng do lực đẩy của nghiệp.
Con người hay bất cứ điều gì tồn tại trên thế giới này đều cần rất nhiều yếu tố hợp thành để hoàn thiện. Do đó, việc tương tác, hỗ trợ nhau là chuyện đương nhiên, không có gì mà phải lăn tăn suy nghĩ cả.
Người với người phải biết nương tựa nhau mà sống. Nếu có chuyện gì giúp đời được thì cố gắng giúp cho thật tốt. Chẳng hạn như cứu trợ nạn lụt, hỗ trợ người bệnh, người nghèo thì chúng ta dù không thể lăn xả đi cứu thì cũng có thể đóng góp chút tiền bạc, đồ cứu trợ,…
Không chỉ luôn luôn ý thức làm điều thiện, mà miệng cũng cần luôn luôn nói thiện, tâm luôn luôn nghĩ thiện.
Đối với các bậc tu hành luôn có suy nghĩ phải giúp chúng sinh, không thể bằng tiền bạc thì là những lời giáo huấn cho họ tỉnh mộng. Ta cũng vậy, không phải cứ mang tiền ra giúp là hay, đôi khi chỉ cần trở thành chỗ dựa tinh thần hoặc một vài lời khuyên cho ai đó trong lúc hoạn nạn cũng là đã giúp người rồi.
4. Đứng đắn trong gia quyến
Trong dân gian có câu: “Anh em như thể tay chân – Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần” cho thấy sự khăng khít của tình anh em trong một nhà. Nghĩa là họ cần biết yêu thương, bảo vệ, che chở cho nhau. Tình cảm đẹp đẽ ấy luôn được ca ngợi từ xa xưa nhưng cho tới ngày nay đâu phải người nào cũng có thể giữ được giá trị tốt đẹp ấy vì trong thực tế việc đối đãi giữa người thân với nhau cũng thường rất khó xử.
Vì quá thân thiết, gần gũi từ bé đến lớn nên ta có thể ỉ lại hoặc lợi dụng nhau, thậm chí không ít gia đình xảy ra tình trạng tranh chấp tài sản, quyền thừa kế khiến ai cũng cảm thấy đau lòng. Người dễ làm tổn thương và dễ lừa gạt ta nhất lại chính là người thân, vì đối với người lạ thì ta làm gì dễ dàng tin họ.
Trong gia đình phải thể hiện đúng vai trò của mình để mỗi cá nhân được tỏa sáng, có những khi cần phải gần nhưng cũng có lúc phải xa, không phải mặc định cứ anh em là phải giúp nhau trong mọi hoàn cảnh, có những lúc tự mình gánh vác để trưởng thành mà phát triển, không ai có trách nhiệm gánh vác cuộc đời của ai cả.
Tu hành và thực hành Phật pháp chỉ có mình tự mình tu chứ không ai có thể giúp cả, cuộc sống đời thường cũng vậy, dù là anh em nhưng đừng vì thế mà bắt họ phải giúp mình, chính bạn và họ mỗi người cũng cần tu thân.