1. Áo cà sa là gì?
Cà sa – dịch từ tiếng Phạn là Kasaya tên đầy đủ là cà sa duệ. Sách chữ Hán dịch Kasaya là đạm (màu nhạt), trọc hay trược (đục, dơ bẩn, ô nhiễm, rác bẩn), hoặc còn dịch chữ này là hoại sắc, bất chính sắc, hư nát, dính bẩn…
Vì thế Kasaya không chỉ có ý nghĩa là y áo, y phục mà có nghĩa là bạc màu – ý nói lên rằng những người khoác tấm áo này có một đời sống khiêm tốn nhất, đơn sơ nhưng nhất mực cao quý và giá trị.
Tóm lại, chiếc áo cà sa của người Phật tử xuất gia tượng trưng cho những gì nghèo nàn, thô sơ, giản dị và khiêm nhường nhất.
2. Câu chuyện về nguồn gốc của chiếc y cà sa
Câu chuyện 1:
Theo kinh điển thì y phục của người khất sĩ thời bấy giờ được may bằng những mảnh vải vụn bị vứt bỏ, có thể là do lửa cháy, bị quào rách, hoặc là vải quấn thây người chết,… Những mảnh vải vụn đó được may lại thành một tấm hình vuông hay chữ nhật đủ để quấn thân, rồi được nhuộm bằng màu từ các loại thảo mộc, tạo nên một loại màu tạp, nhìn không được sạch sẽ.
Khi Đức Phật rời bỏ hoàng cung để tìm đạo, theo truyền thống, Ngài đổi bộ đồ sang quý của Ngài để nhận lấy bộ đồ của người khất sĩ. Đó là chiếc áo mà Đức Phật đã mặc trải qua nhiều năm tìm đạo trước khi Ngài chứng quả Phật.
Câu chuyện 2: Theo Luật tạng, quá trình chiếc áo cà sa ra đời do lúc ban đầu, Tăng đoàn của Phật y áo không khác biệt gì với những người tu hành thuộc các truyền thống tôn giáo khác và họ đề xuất muốn có tấm áo để mọi người dễ nhận ra.
Vào thời điểm ấy, Phật và người đệ tử thân cận nhất là A-nan-đà (Ànanda) đang trên đường du hành phương Nam để thuyết giảng, Phật thấy những thửa ruộng lúa hình chữ nhật, chia cắt bởi những đoạn bờ thẳng tăm tắp.
Người nảy ra ý định dùng hình ảnh này cho chiếc áo của Tăng đoàn, Phật liền bảo A-nan-đà cứ theo mẫu ấy mà làm. Kể từ đó, chiếc y cà sa mang hình những thửa ruộng được ghép từ các mảnh lại với nhau trông như những thửa ruộng nối nhau đều tăm tắp. Trong tiếng Hàn, chiếc áo cà-sa còn được gọi là cát triệt y, điền tướng y tức là áo hình thửa ruộng.
3. Giá trị tâm linh của chiếc y cà sa:
Chiếc y cà sa, từ tác dụng ban đầu là vật thiết yếu của mỗi người tu sỹ trong cuộc sống tu hành, dùng để phân biệt người tu sỹ Phật giáo với các tôn giáo khác, đã được hình tượng hóa và mang một ý nghĩa thiêng liêng:
– Chiếc y cà sa là biểu tượng cho đạo Phật, cho sự màu nhiệm của Phật pháp. Chiếc y cà sa không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà đã chuyên chở các ý nghĩa tinh thần, trở thành pháp bảo độ trì cho những người con Phật tu hành theo đúng chánh pháp.
– Áo có nhiều mảnh cũng là sự biểu trưng cho con đường tu tập hướng đến giác ngộ có nhiều thứ lớp, giai đoạn. Đức Phật đã trải qua vô lượng kỳ kiếp để đạt đến chứng quả Bồ đề. Mỗi hành giả đời sau phải liên tục tích lũy công đức, tạo phúc, sửa chữa lỗi lầm, làm cho tâm trong sạch, bảo vệ tăng đoàn trước những nghiệp chướng, biết chờ đợi đủ nhân duyên, đúng thời kỳ mới có được thành tựu.
– Mỗi lần nhìn thấy chiếc y cà sa của mình vị tỳ kheo đều nhớ biết mình là người xuất gia mà lo tinh tấn với đạo nghiệp, nếu bỏ qua điều đó sẽ làm uổng phí đời sống xuất gia, uổng phí thiện tâm của đàn thí.
– Không như pháp phục của những tôn giáo khác, chiếc áo cà sa của đạo Phật không thuần túy chỉ là chiếc y che mình mà đã trở thành một hình ảnh mang tính biểu trưng của Phật giáo. Chiếc cà sa của đạo Phật ngoài tác dụng để che thân còn có tác dụng như một tấm chăn đắp hay dụng cụ để ngồi, vì vậy, chiếc y cà sa còn có tên gọi là phu cụ (dụng cụ để đắp) hay tọa cụ (dụng cụ để ngồi).
– Ý nghĩa khiêm nhường và giản dị của chiếc y cà sa: Áo được may bằng cách ráp nối những mảnh vải vụn lượm lặt lại với nhau sẽ tiết kiệm vải rất nhiều và có thể thay các miếng khác nhau khi có miếng nào bị rách, hỏng. Và hơn thế, khi chư tăng nhận phẩm vật cúng dàng của phật tử, tùy khả năng của phật tử cúng dàng những mảnh vải lớn hay nhỏ, đều được sử dụng, mang lại lợi ích và không lãng phí.
– Áo cà sa như là lời nhắc nhở để nhà tu hành tránh được tham sân si cám dỗ, tác động, làm nảy sinh trong lòng những điều thiện và sự từ bi. Đó cũng chính là những giá trị tinh thần tốt đẹp mà đạo Phật đang vun bồi và hướng tới.
– Tăng đoàn mang trên mình bộ y cà sa như một sự nhắc nhở phải luôn nhớ đến công ơn sâu dày của đàn tín. Các nhà tu hành được thụ thí từ sự cúng dường của phật tử để thanh thản, an tâm lo tu học đó là nhờ công lao khó nhọc biết bao người. Vậy mỗi tỳ kheo phải luôn niệm tưởng và làm sao cho xứng đáng với công ơn đó.
– Người xuất gia khoác lên người chiếc áo cà sa cũng là để tự kiểm chứng bản thân mình, giúp họ luôn giữ giới, nhắc nhở họ không được tà dâm, sát sinh, trộm cắp, không sân si, bám níu… Chiếc áo ấy đem đến sự an lạc, giúp họ phát lộ lòng từ bi, giúp tăng trưởng trong tâm thức sự can đảm, tinh tấn, sức mạnh và trí tuệ để tu tập.
MiMo (Tổng hợp)