Một lần tình cờ Đức Phật gặp 3 người đàn ông trên núi, khi đi qua người thứ Nhất, ông này cúi chào và bộc bạch thắc mắc của mình:
– Kính bạch Đức Thế Tôn, con đang chăm chỉ ngồi thiền, khi nào thì con sẽ được giải thoát?
Đức Phật ôn tồn cho biết phải tốn ít nhất là 1.000 năm thì người này mới đạt được ước vọng của mình để trở thành Phật. Nghe xong câu trả lời, người đàn ông buồn bã và lại tiếp tục thiền định dưới bóng cây.
Sau đó, Đức Phật lại đi qua người thứ Hai, Ngài thấy ánh mặt trời đang đang khiến cho làn da của người này bị bỏng rát. Anh này cũng hỏi câu tương tự:
– Bao giờ ta được giải thoát?
Cũng tương tự như lần trước, Đức Phật cũng cho anh này biết anh cần ít nhất là 1.000 năm nữa thì mới được giải thoát. Nghe thấy như vậy, người đàn ông có vẻ ấm ức và không cam tâm, anh trả lời:
– Nếu như vậy con sẽ phải chịu khổ rất nhiều mới có thể được giải thoát!
Nói rồi, anh ta lại tiếp tục ngồi thiền dưới cái nắng như thiêu như đốt.
Cuối cùng, Đức Phật đi qua người thứ Ba và nhận được câu hỏi tương tự như hai người trên. Sau khi biết rằng mình cần hơn 1.000 năm nữa mới được giải thoát, anh này không hề tỏ ra buồn bã hay đau khổ, mà trái lại, chỉ mỉm cười ra điều hiểu chuyện rồi lại tiếp tục nhảy múa, và ngay khoảnh khắc ấy, anh ta đạt được giải thoát.
Cả 3 người trong câu chuyện trên đều có chung hoàn cảnh, nhận được chung một câu trả lời của Đức Phật nhưng cách phản ứng của họ hoàn toàn khác nhau dưới lăng kính của mỗi người. Và chẳng ai ngờ để giải thoát lại dễ dàng như vậy đối với người thứ 3.
Đôi khi để giải thoát không chỉ là ngồi một chỗ thiền định, tụng kinh mà còn là cách ta biết học Phật giải thoát sân hận của cuộc đời, hướng cuộc sống tới những điều thiện lành, mang tới năng lượng tích cực cho mọi người,…
Câu hỏi về sự giải thoát chỉ là một câu hỏi điển hình thể hiện về mong muốn muốn thực hiện được ước mơ, tham vọng của mỗi chúng ta. Thế mới thấy việc ta thành công hay không còn ở nhận thức và cách phản ứng tương ứng với nó chứ không phải chỉ do hoàn cảnh.
Nếu chỉ biết cố gắng một cách mù quáng, thiếu trí tuệ, chúng ta sẽ phải mất rất lâu mới đi tới đích, thậm chí đi lầm đường lạc lối. Trong khi đối với người khác, nếu biết dùng thái độ và cách làm đúng, lại có thể đạt được điều đó một cách dễ dàng.
Cuộc sống đôi khi thật căng thẳng và khó khăn. Có những người dường như tin rằng họ không thể thành công, rằng họ không đủ khả năng. Họ so sánh mình với người khác, nghĩ rằng mình kém cỏi, tiêu cực và vô vọng. Họ bị thoái chí vì không có niềm tin và hiểu biết đúng đắn. Suy nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi là sai lầm.
Chúng ta không cần thay đổi ngoại cảnh, sự giải phóng này nằm ở thái độ và cách ta nhìn nhận sự việc! Thành công đến từ tâm an vui, từ thái độ sống hạnh phúc chứ không phải hạnh phúc đến từ thành công. Thái độ đúng đắn cùng lối sống lành mạnh sẽ bổ trợ cho nhau mang lại kết quả tốt đẹp cho những nỗ lực của chúng ta.
Nhiều khi để đạt được mục tiêu, mọi thứ không cụ thể hay rõ ràng như cách ta nghĩ vì thế thay vì chăm chăm tập trung vào một việc gì đó thì nên tập trung cải thiện năng lực, trí tuệ của mình. Ví như một người bán được kim cương không chỉ nằm ở sự hiểu biết của họ về kim cương mà còn ở các lĩnh vực khác nhau từ cá voi, môi trường, khoa học, tâm linh,… thì họ mới có thể trò chuyện được với khác hàng tiềm năng – những người giàu có và thông thái.
Sự thật là chẳng ai có thể tiến xa so với hiện tại nếu tự chê trách, hạ thấp hoặc tự xem thường mình. Hãy nâng cấp bản thân và xem đó là mục tiêu của cuộc sống. Khi ta tự nâng cấp được năng lực của mình thì mới mong có được thành quả tương xứng. Ví dụ như nếu bạn nghèo, không giỏi, cũng chẳng có ý chí,… thì đừng mong một cô gái xinh đẹp, thông minh chấp thuận tình cảm của mình. Điều trước tiên bạn phải tự cải thiện cuộc sống, năng lực của mình đã rồi mới nghĩ tới được những bước tiếp theo.
Và để mục tiêu nâng cấp bản thân một cách rõ ràng hơn thì ta cần có mong muốn nâng cấp chất lượng cuộc sống. Hãy tưởng tượng về cuộc sống mà ta đang mơ ước để từ đó dần dần hoàn thiện giấc mơ đó để biến chúng thành hiện thực bạn nhé.