Vì sao ta trốn tránh, sợ nói về cái chết?
Ta sợ chết cũng chỉ vì ham sống, do quá sợ chết nên ta không dám nghĩ về nó, cũng chẳng có thói quen suy ngẫm về cái chết. Thậm chí, lỡ ai nói đến thì vội cho là tiêu cực, hoặc hoảng hốt, chới với bởi vì chưa quen với chủ đề nhạy cảm này.
Ngược lại, có những người vì sợ quá nên tìm mọi cách để kéo dài tuổi thọ, tìm cách sống lâu bằng cách uống đủ các loại thuốc để trường thọ. Vậy nhưng đến khi Thần Chết gọi tên thì họ cũng không thể dùng thứ thuốc nào để thoát khỏi sự thật rằng mình phải lìa xa cuộc sống này.
Thế nên, cả hai cách trên đều không bao giờ có thể giúp ta được sống một cuộc đời vui vẻ, hạnh phúc cả.
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật lại khuyến khích ta nói về cái chết, vậy ta hãy cùng Đạo Phật ngẫm về cái chết và thử đối diện với nó xem sao.
Sự thật là Đức Thế Tôn không những chỉ khuyến khích nói về cái chết mà Ngài cũng khuyên chúng ta suy ngẫm nó và nghĩ đến nó thường xuyên. Vì việc từ khi chúng ta sinh ra cho tới khi qua đời đều tuân theo quy luật vô thường của cuộc sống mà Đạo Phật hay nhắc tới.
Chúng ta đã được sinh ra, nhất định chúng ta sẽ phải chết. Cái chết không từ một ai, cũng không thiên vị một người nào. Cho dù trong tay sở hữu tiền bạc châu báu, có quyền cao chức trọng cũng không hối lộ được cho Thần Chết.
Tại sao nên suy ngẫm về cái chết?
Thoát khỏi nỗi sợ hãi
Do đó, nếu một ngày vì bất cứ lý do nào đi chăng nữa khiến ta rời xa cuộc sống này, ta cũng hiểu rằng cũng là tuân theo sự vô thường mà thôi. Cát bụi rồi cũng sẽ phải trở về cát bụi.
Cho nên một trong những lý do chính yếu để suy ngẫm cái chết là để chúng ta hoàn toàn tỉnh thức, thoát khỏi sợ hãi. Suy ngẫm về cái chết không làm cho chúng ta bi quan mà để ta mạnh mẽ đối diện với nó bằng tâm lý thoải mái nhất có thể.
Thay đổi thái độ sống
Qua góc nhìn của Đạo Phật ta đã hiểu thêm rằng, thân này là vô thường, bản chất của nó là tan rã nên nó không phải là của ta, nên ta không có ý niệm tham luyến về thân. Do đó, tới lúc phải bỏ nó thì sẵn sàng bỏ, không có giằng co, cần phải buông thì buông một cái cho nhẹ nhàng. Thế nên không có khái niệm ma chết oan, đó chỉ là những vong linh không chấp nhận số phận, quá tham luyến về thân, sự sống nên sinh ra oán giận.
Như lời Phật dạy, những thứ đó chưa bao giờ thuộc quyền sở hữu của ta, chỉ là ta đã tạm dùng một lúc nào đó thôi, rồi cũng phải buông tất cả. Do đó, từ trong hiện tại đừng khởi ý niệm tham lam, cố gắng giành giật mọi thứ về mình.
Tâm an tịnh đón nhận cái chết
Muốn được như vậy thì phải thường xuyên quán niệm về sự chết để chuẩn bị, đừng nghĩ cái chết còn xa, còn lâu mà lúc nào cũng luôn hiểu rằng điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ta an nhiên đón nhận, thanh thản ra đi.
Có phải chết là hết, chết rồi mọi thứ biến hành hư không, người chết không thể mang theo mình thứ gì. Hãy đọc câu chuyện thâm thúy dưới đây, bạn sẽ tìm thấy
Thấy người ta chết lại ngẫm đến mình
Một bậc thầy Tây Tạng có dạy: “Một trong những lý do chính khiến ta lấy làm khó khăn lo sợ khi đối mặt với cái chết, là vì ta tảng lờ sự thật về vô thường. Chúng ta cứ khăng khăng, muốn mọi sự đều tiếp tục như cũ, đến nỗi ta tưởng rằng chúng vẫn như vậy, nhưng đó chỉ là ảo tưởng”.
Vì thế, thay vì ảo tưởng ta ngẫm nhiều hơn về mình, hôm nay có thể là họ và một ngày nào đó có thể là ta, vậy thì ta còn điều gì chưa làm, chưa hoàn thành, hãy làm đi thay vì chờ đợi rồi nói lời hối tiếc.
Hãy tưởng tượng đến đồng hồ cát, cát chảy dần xuống đáy. Thời gian bạn sống cũng giống như hạt cát đang liên tục chảy cho đến khi cạn kiệt. Thế mà bao lâu nay bạn đã tiêu xài cho những cảm xúc thất vọng, tức giận, buồn chán, kiêu ngạo, lười nhác hoặc chỉ trích…
Có câu: “Hãy sống như thể ngày mai bạn sẽ chết” cũng là để khuyên chúng ta sống trọn vẹn từng ngày. Hãy làm những việc có ích, mang lại lợi lạc cho người, cho đời ngay khi còn có thể.
Vậy nên thử cùng Đạo Phật ngẫm về cái chết và quán chiếu lại xem ta nên làm gì lúc này, ngay bây giờ thay vì ngồi đó sợ hãi hay lãng phí thời gian quý báu của mình trong cuộc sống này.