(Tamlinhthanbi.com) Hiểu được 20 điều khó của kiếp người theo lời Phật dạy là gì sẽ giúp chúng ta dễ dàng thoát khỏi chướng duyên, vượt qua nghịch cảnh và cạm bẫy cuộc đời, từ đó đạt được hạnh phúc chân chính. Nó cũng giúp nung đúc tinh thần chúng ta thêm sức chịu đựng bền bỉ và vững vàng trên con đường Phật đạo.
var _avlVar=_avlVar||[];_avlVar.push([“7af391dda74e457eb29539a64a2adf44”]);!!!
Phật dạy, trong các loại thân chúng sinh, thân người cao quý hơn cả. Hễ được làm người là một điều vô cùng quý giá và hơn hẳn các loài khác nhờ biết suy nghĩ, nhận định phải trái, tốt xấu, đúng sai.
Đặc biệt, Phật dạy rằng mọi khổ nạn của đời người không ngoài 20 cái khó.
20 điều khó của kiếp người theo lời Phật dạy dưới đây được nêu lên không mang một sắc thái nào của bi quan, chán chường mà chỉ nhằm khẳng định một số quy luật tất yếu của cuộc sống rằng: Hễ mang thân phận con người thì phải cảm nhận và vượt qua 20 điều đó.
Những cái “Khó” ở đây không có nghĩa là làm không được. Chúng được xem như là yếu tố không thể thiếu để tạo nên sự vĩ đại của người vượt khó, thành công.
Hãy cùng xem 20 điều khó của kiếp người cụ thể là những gì, từ đó rút ra kinh nghiệm và cải thiện bản thân tốt hơn.
1. Khó vì: Nghèo khổ bố thí, giàu sang học đạo; bỏ thân mạng vì lẽ phải, hiểu thông kinh Phật
!!!
Hãy nói về 4 điều khó khăn đầu tiên trong 20 điều khó của kiếp người theo lời Phật dạy.
Đối với cái khó đầu tiên được nêu ra “khó vì nghèo khổ bố thí” tức là sự bố thí của người nghèo khổ. Người nghèo khổ được định nghĩa người thiếu thốn về sở hữu tài sản, vật chất tiền bạc. Về vật chất, họ không đủ cơm ăn áo mặc, nợ nần. Về tinh thần, họ khó mở rộng tấm lòng nhân ái.
Còn bố thí là hình thức ban cho cùng khắp rộng rãi với tinh thần cho, tặng, biếu, giúp đỡ, chia sẻ, ban, hiến, tặng và cuối cùng là cúng dường một cách tự nguyện với lòng tôn kính. Nó đòi hỏi người cho phải giàu có dư dả nhiều tiền của.
Hình thức bố thí với người bình thường thì ta dùng từ cho, giúp đỡ, hiến, tặng. Với người có địa vị cao trong xã hội thì ta dùng từ kính tặng hay kính biếu. Với cha mẹ ông bà hoặc thầy tổ, thầy cô giáo thì ta dùng từ cúng dường. Cũng là từ bố thí nhưng tùy theo vị trí và chức năng địa vị trong gia đình và xã hội mà ta dùng từ ngữ có khác nhau để tỏ lòng cung kính và tôn trọng.
Đằng này, người nghèo khổ dù thiếu thốn nhưng vẫn biết làm việc bố thí thì còn gì đáng khích lệ cho bằng. Nó nói lên ý nghĩa cao cả của lòng từ bi rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống, nó nói lên thái độ không oán trách, không than vãn, không đổ thừa hoàn cảnh, thể hiện lòng vị tha với sự bao dung và độ lượng, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết.
!!!
Nhà Nho thường nói: “Bần cùng vô oán nan” (nghèo khó không oán là khó). Câu nói này chưa hàm súc đầy đủ ý nghĩa của cái gọi là khó như lời dạy của Đức Phật. Nghèo khổ mà biết bố thí, vừa bao hàm thái độ không trách oán, không đổ thừa, vừa nói lên được thái độ bao dung, độ lượng và hy sinh. Thật đúng là: “Nghèo của nhưng không nghèo lòng”.
Tiếp theo, “khó vì giàu sang học đạo” tức Đức Phật phê bình thói lười biếng, không chịu tu tập của những người giàu có.
Ở thế gian này nhiều người giàu có, sung mãn đầy đủ vật chất lại ít bao giờ nghĩ đến việc tu học, tín tâm Tam bảo và tin sâu nhân quả. Họ sống hưởng thụ các thiên lạc, thiên sắc, không còn tâm niệm tu tập, hướng thượng, nên rất dễ sa đọa.
Chính sự giàu có về vật sở hữu đã trói buộc họ trong cái vỏ “ngã ái” và “ngã si”. Họ cho vật chất là mục đích tối hậu của cuộc sống. Suốt ngày đua đòi, bon chen theo tài, sắc, danh, thực, thùy, hay sắc, thinh, hương, vị xúc, những thứ đam mê mà Đức Phật gọi là ngũ dục hạ liệt, chỉ có giá trị nhất thời.
Trong kinh Đức Phật dạy, quả báo của những kẻ giàu sang, chạy theo ngũ dục lạc, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ làm voi, ngựa cho nhà vua. Tuy được trang sức lộng lẫy, nhưng lại thiếu trí tuệ – yếu tố cần thiết cho con người và đạo giải thoát. Chính vì thế, giàu sang mà từ bỏ được tất cả để tầm cầu chân lý, học hỏi chánh pháp là một điều không phải ai cũng thực hiện được.
!!!
Ở cái khó thứ 3, “bỏ thân mạng vì lẽ phải”, mạng sống con người là rất đáng quý. Bởi thế cho nên, đã là con người tất nhiên ai cũng tham sống, sợ chết.
Lẽ phải, đứng trên quan điểm Phật giáo mà phân tích thì nó bao gồm các chân lý về vũ trụ quan, nhân sinh quan và đường lối hành xử thích hợp để cuộc sống con người được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Chết vì lẽ phải là thực hiện và bảo vệ chân lý trên bước đường hoằng hóa độ sinh.
Đứng về đời, cái chết vì lẽ phải có thể là sự hy sinh cao cả vì lẽ tồn vong của Tổ quốc, vì quyền lợi của một dân tộc.
Quả thực như lời dạy của Đức Phật: “Dám chết vì lẽ phải” là một điều khó làm vì bản tính con người vốn tham sống, sợ chết. Điều này cũng không đáng chê trách, vì mặt khác Đức Phật cũng dạy rằng: “Mạng sống con người là quý”. Cho nên, chúng ta trân trọng nó, bảo vệ nó, nhưng gặp đúng trường hợp đòi hỏi sự hy sinh mạng sống quý báu để phục vụ một lợi ích to tát hơn, một chân lý tuyệt mỹ hơn thì con người cần phải hy sinh cái Ta của mình đi.
Cho nên, chúng ta phải hiểu rằng khi Đức Phật liệt sự hy sinh vì lẽ phải là một điều khó làm, điều đó không có nghĩa Đức Phật không muốn chúng ta làm hay suy nghĩ rằng chúng ta không bao giờ có khả năng làm được. Mà có nghĩa rằng nếu chúng ta thực hiện được điều khó đó, là chúng ta đã vượt thoát lên trên lòng vị kỷ để hướng tới một tình thương bao la cao quý hơn, chan hòa cho cả một cộng đồng.
!!!
Từ đó, chúng ta dám xả thân bảo vệ chân lý, lợi ích của tuyệt đại đa số vậy. Ai mà làm được điều đó thì chính là những vị Bồ tát đích thực trong hiện tại và mai sau.
Đến cái khó thứ 4 của kiếp người, khó vì “hiểu thông kinh Phật”. Kinh Phật ở đây chỉ chung cho Tam tạng thánh điển, nó thuộc về những lời dạy vàng ngọc của Phật, bao gồm Kinh, Luật, Luận và ngay cả những lời thuyết pháp của các pháp sư và các vị cư sĩ.
“Hiểu được kinh Phật” còn bao hàm ý nghĩa: có thiện duyên nắm được phương tiện để nghe, để hiểu ý Phật, từ đó có chuyển biến tốt trên bước đường ngộ nhập tri kiến Phật.
Cho nên hiểu hết kinh Phật là một điều rất khó, vì Phật tùy theo căn cơ của mọi người mà chỉ dạy nên có rất nhiều loại kinh chẳng tương đồng với nhau.
2. Khó vì: Sinh thời và gặp được Phật, nhẫn được sắc dục; thấy đẹp không ham cầu, bị nhục không oán
!!!
Điều khó tiếp theo của đời người hay cái khó thứ 5, chính là việc “sinh cùng thời và được gặp Đức Phật”. Ngài là con người của sự giác ngộ, tỉnh thức đến tột độ. Ngài là con người nhân bản và hơn thế, vượt trên nhân bản. Ngài là vĩ nhân trên các vĩ nhân. Ngài là vô thượng sư, vô sư, đạo sư, là siêu tuyệt, cho nên, sinh thời Phật được gặp Phật là một phước duyên to lớn mà ít ai có được phước duyên này.
Sự thị hiện của các Đức Phật đã hiếm, mà hữu duyên được gặp Phật lại càng hiếm hơn, vì nếu không đủ phước đức nhân duyên thì tuy sinh cùng thời mà đến chết vẫn chẳng thấy được Phật.
Đối với cái khó thứ 6, “nhẫn được sắc dục”, nó chính là một thử thách không hề nhỏ với con người. Nhẫn ở đây không chỉ giới hạn ở sự chịu đựng những lời nhục mạ như nguyên ngữ Hán. Nhẫn còn có ý nghĩa sâu rộng hơn là không đam mê, không nhiễm đắm sắc và dục.
Vốn dĩ sức công phá của sắc dục có thể làm băng hoại nhân cách của con người, làm sa đọa con người. Ở đây, nhẫn được sắc dục là chế ngự, thu thúc được lục căn, không để cho lục căn thao túng, mà ngược lại, ta chỉ huy nó theo cái tâm thiện của ta. Khống chế được sắc dục, con đường hướng thiện, phạm hạnh sẽ rộng mở và giải khai.
!!!
Vì vậy, nhẫn sắc dục cũng chính là một trong các yếu tố quyết định sự giải thoát mọi chấp mắc trên đời. Nó vô hiệu hóa căn trần để thể nhập sự an tĩnh tuyệt đối. Do đó, nhẫn được sắc dục là một việc làm hy hữu chẳng hề dễ dàng.
Tuy nhiên, Phật Bồ tát làm được thì chúng ta cũng sẽ làm được, ta có quyết chí, can đảm buông bỏ những thói quen xấu hay không mà thôi và cố gắng làm những điều thiện lành tốt đẹp.
Cái khó thứ 7 “thấy đẹp mà không ham cầu”, đây quả thực là việc rất khó. Cái đẹp ở đây nếu theo quan niệm thông thường là chỉ những điều hợp nhãn, gây nhiều ấn tượng tốt cho người nhìn, người đọc.
Còn căn cứ theo quan điểm triết học Phật giáo, đẹp là những giá trị mặc ước, tùy thuộc vào quan điểm của con người, của phong tục tập quán.
Có những cái ở đây cho là đẹp nhưng ở một nơi khác thì lại phê chuẩn cho nó một giá trị mặc ước khác. Nhưng nhìn chung, cái đẹp có giá trị nhất định theo giá trị mặc ước của nó, tức là cái quyến rũ, hấp dẫn con người theo cái nhìn chủ quan của con người.
Bản thân của cái đẹp hiện hữu không tội lỗi gì cả, là do con người nhận định quyết đoán. Nhưng nếu chúng ta nhìn nó với cái nhìn đam mê yêu thích bởi lòng tham lam thì cái đẹp đó, trở thành sợi dây ràng buộc sự giải thoát của chúng ta.
!!!
Người thấy đẹp mà không ham cầu là người thấy rõ sự nguy hiểm của cái đẹp, và cái đẹp đó cũng vô thường tạm bợ, nên họ không mong cầu cái tốt đẹp đó chỉ tùy duyên mà thôi.
Chúng ta nhìn vạn sự vạn vật với một cái nhìn tuệ giác, biết nó là không thực thể, sự có mặt của nó chỉ là nhân duyên tụ tán, chính vì bản chất của nó là vô thường, vô ngã. Cái đẹp của nó chỉ tạm thời, không dài lâu, nó không có một giá trị cố định. Nhưng mấy ai có được trí tuệ để vượt thắng những cám dỗ thông thường. Thế nên gọi là thấy đẹp, thấy tốt không ham cầu là khó.
Còn với điều khó thứ 8, sở dĩ nói “bị nhục không oán” là rất khó bởi đứng trước cảnh bị người khác nhục mạ, người ta thường sân hận, giận dữ, đôi lúc phản kháng, ẩu đả để giải tỏa cơn tức giận của mình.
Ở đây, nhục là những hành vi lăng mạ người khác. Nó phát xuất từ tâm lý ganh ghét hoặc từ sự sôi sục của lòng sân hận.
Nhục, nếu thể hiện bằng lời, là những lời ác ngữ, nguyền rủa, chửi thề độc địa làm cho người bị lăng mạ đau xót như cắt đứt gan ruột mình. Nếu thể hiện bằng hành động, đó là việc gây thương tích cho đối tượng. Nếu thể hiện bằng ý, là sự ngấm ngầm hãm hại người đó một cách trắng trợn và công khai bất chấp mọi hậu quả của nó. Cả ba đều đem lại cho người khác tâm lý lo âu, sợ sệt và khổ đau bởi trạng thái tức tối, giận hờn và thù địch.
!!!
Mấy ai có thể nín nhịn khi phải chịu sự lăng mạ sỉ nhục? Bị vu oan huỷ nhục về một việc làm xấu nào đó, ta cảm thấy bị chạm tự ái vì sĩ diện với mọi người, ta tức tối, ta hờn giận và cảm thấy đau khổ vô cùng.
Vậy nên đây mới là một cái khó của kiếp người. Chỉ có những ai thấu hiểu được sự đối đầu, đối kháng đó chỉ là giải pháp nhất thời, không chặn đứng được sự xung đột, khắc chế, mới có thể nhẫn nhịn sự nhục mạ.
Nếu lấy hận thù diệt hận thù, thì hận thù càng thêm chồng chất. Chỉ lấy tình thương mới chuyển hóa được hận thù.
3. Khó vì: Có thế lực không cậy uy, vô tâm với cảnh; học rộng nghiên cứu sâu, trừ diệt cống cao ngã mạn
Điều khó thứ 9 là “Có thế lực nhưng không cậy uy”. Đây không phải là việc khó, mà là rất khó. Thông thường, những người có quyền cao chức trọng hay cậy thế ỷ quyền, ức hiếp kẻ dưới bắt phải cống nạp hoặc chèn ép bằng nhiều hình thức.
!!!
Cho nên, có thế lực mà không ỷ quyền cậy thế, không thị uy, tức tự chính mình đã kiến tạo cho mình nếp sống chánh mạng, chánh nghiệp, không gieo rắc ác nghiệp. Và người như vậy là người hữu ích cho xã hội, là người biết hướng thiện, hướng thượng. Được vậy, quả thật là đáng quý.
Tiếp đến là điều khó thứ 10 “vô tâm với cảnh”, tức là không còn dính mắc, đắm nhiễm tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ nhiều hoặc hình sắc, sự vật cho đến tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tác duyên.
Người thấy tiền bạc không tham đắm, dính mắc quả thật là điều khó vì tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình. Người đối với mọi hình sắc, vừa thấy liền khởi niệm say mê, rồi tác ý ưa thích nghĩ tưởng hình sắc, thế là lòng tham chìm đắm trong cảm thọ thấy đẹp xấu và dính mắc vào đó. Nếu tâm dính mắc càng lớn mạnh thì tâm bồ đề bị lu mờ, do đó tạo nên phiền não làm tâm không an định.
Như vậy, vô tâm là yếu tố tất yếu, là cửa ngõ quan trọng để trở về với bản tâm thanh tịnh. Do đó, muốn giải thoát mọi khổ nạn trên đời, theo lời dạy này, chúng ta phải thường xuyên sống vô tâm, vô phân biệt.
“Học rộng, nghiên cứu sâu” là một việc khó thứ 11. Học rộng, nghiên cứu nhiều là tìm hiểu, lãnh hội, mổ xẻ vấn đề đến nơi đến chốn. Nó thuộc về vấn huệ (trí tuệ có được do tìm hiểu, tham vấn) hay văn huệ và tư huệ.
Mục đích cuối cùng của sự học rộng nghiên cứu nhiều là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nếu học được lí thuyết dù cao siêu đến đâu chăng nữa mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc vô ích mà thôi vì chẳng giúp gì cho ai.
Chính nhờ sự học rộng nghiên cứu nhiều, người ta nhận chân đâu là chân lý, đâu là phi chân lý. Đâu là chính, đâu là tà. Đâu là con đường nên đi, đâu không nên đi.
Học rộng nghiên cứu nhiều nghiễm nhiên trở thành kim chỉ nam hành động trong cuộc sống. Nó còn là tấm bản đồ, là hành trang cần thiết cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Do đó, chúng ta cần phải trau dồi kiến thức, nâng cao tính nhân văn và trí tuệ của mình để đem lại những thành công tốt đẹp như mong muốn.
Cái khó tiếp theo của kiếp người chính là “trừ diệt tâm cống cao ngã mạn”. Người cống cao ngã mạn là người coi trọng bản ngã của mình lên trên hết. Nó là biểu hiện của tâm hiếu thắng, kiêu ngạo, cống cao, thiếu nhã nhặn, thiếu khiêm tốn và không chịu nhún nhường bất cứ một ai. Người ngã mạn thường song hành với các tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán.
Vì ngã mạn là chấp nhất, là cống cao, nên người lìa ngã mạn sẽ thoát ly mọi ràng buộc, hệ lụy. Đúng như lời Phật dạy:
Này các Tỳ kheo, ai đoạn trừ tâm ngã mạn, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho không còn hiện hữu lại, người ấy là bậc thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn bất cứ một hệ lụy nào. Lời Phật dạy |
Do đó, dứt trừ tâm ngã mạn không chỉ là việc khó làm mà còn là việc rất đáng trân trọng.
4. Khó vì: Không khinh người chưa học, thực hành tâm bình đẳng; chẳng nói thị phi, gặp thiện tri thức
Ở cái khó thứ 13 trong 20 điều khó của kiếp người theo lời Phật dạy, “không khinh người chưa học”, đây là sự tổng hòa của điều khó thứ 11 và 12 bên trên.
Điều 11, Đức Phật dạy học rộng nghiên cứu nhiều là khó. Điều 12, Đức Phật dạy, cần phải đoạn trừ tâm ngã mạn. Phối hợp hai điều này chúng ta thấy nếu học rộng nghiên cứu nhiều mà có tâm ngã mạn thì sự học rộng nghiên cứu nhiều ấy chỉ bằng vô ích, vì người ấy chỉ là một học giả cao ngạo, chỉ thích chỉ trích, bình phẩm người khác mà không xây dựng đóng góp gì nhiều cho việc giáo dục.
Ở điều thứ 13 này, Đức Phật dạy không khinh người chưa học hàm ý nói rằng kẻ tài cao thường có nhược điểm “mục hạ vô nhân” nghĩa là dưới con mắt của mình không có ai hơn và khinh khi người ít học.
Một điểm nữa là gián tiếp khuyên chúng ta càng học cao càng khiêm cung thì giá trị của ta càng lớn. Học lời Phật dạy “không khinh người chưa học”, ta thấy lòng từ bi thật rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống của Phật được thể hiện rõ nét trong mọi trường hợp.
Và lời dạy này cũng có ý nghĩa với hạnh vô ngã vị tha, đề cao Phật tính bình đẳng của Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa: Dù có bị chửi mắng, đánh đập nhưng Ngài cũng không tỏ ra thái độ giận hờn, oán trách một ai. Mà còn nói: “Tôi không dám khinh quý ngài, vì quý ngài đều sẽ thành Phật”.
Ở điều khó thứ 14, sở dĩ Phật dạy khó vì “thực hành tâm bình đẳng” là bởi chỉ với Phật giáo, người ta mới tìm được chân giá trị của chủ trương bình đẳng.
Giá trị bình đẳng cao nhất trong Phật giáo là Phật tánh, ai cũng có khả năng trở thành con người tuệ giác viên mãn, thù thắng, và nói chung là cả muôn loài, ngoại trừ giống vô tình, vô thức.
Theo Phật giáo, mọi con người phải có giá trị ngang nhau khi người ta hoàn thiện đạo đức. Chỉ có đạo đức mới phân định chính xác giá trị nhân phẩm con người. Giai cấp, địa vị, sự sang trọng, quyền uy, thế lực… tất cả những thứ này Đức Phật đều phủ nhận để đề cao bình đẳng.
Do đó, thực hành bình đẳng là một điều vô cùng khó, nhất là đối với những người có quyền lực địa vị cao trong xã hội, những gia đình nặng về gia giáo, phong kiến và nặng nhất là sự chấp ngã của con người.
Phật dạy điều khó thứ 15 “chẳng nói lời thị phi” khó là bởi trong năm giới của người tại gia, giới vọng ngữ là giới có nội dung cấm người Phật tử nói lời thị phi. Thị phi, đôi lúc ở một vài trường hợp cũng chính là lời nói đòn xóc hai đầu, đến người này ta nói xấu người kia, đến người kia ta nói xấu người nọ. Tác hại của nó là làm cho hai bên hiểu lầm nhau mà gây ra ân oán hận thù và làm yếu đi sức mạnh của một cá nhân hay một tập thể nào đó.
Và khi đứng trước những hiện tượng thị phi hay chính mình phải quấy với người khác làm cho tình nghĩa của bạn bè người thân bị rạn nứt sứt mẻ do hiểu lầm nhau. Đối với Phật giáo, thị phi được cấm chỉ ở giới vọng ngữ và giới ly gián.
Người Phật tử chân chính không bao giờ sử dụng ngôn ngữ mang tính bất thiện, không gieo rắc đau khổ đến với một ai, mà chỉ nên mang lại sự thiện ích và toàn mỹ cho mọi người.
Như vậy, trên cơ bản, không thị phi là hoàn thiện nhân cách người Phật tử, nhân cách con người chính họ. Nó là nền tảng hoàn thiện ngữ nghiệp, tạo ra từ ái ngữ, nhu nhuyễn ngữ, ngôn ngữ hài hòa, lịch thiệp. Vì thế, không nói lời thị phi là một điều khó và cũng là một điều đáng quý trọng.
“Gặp thiện tri thức” là gặp được những người bạn lành, giúp ta nâng cao tri thức, tiếp cận giáo pháp, chân lý của Đức Phật. Ngoài ra, thiện tri thức còn được hiểu là những pháp môn, giáo lý, kinh điển Pháp bảo của Đức Phật thăng hoa nếp sống đạo đức cho ta.
Người thiện tri thức còn có nghĩa là vị thầy dẫn dắt ta trên con đường giác ngộ, giải thoát. Gặp được minh sư chân chính thì mục đích của ta mới dễ thành tựu. Nếu người dẫn dắt ta là tà đạo thì chắc chắn ta sẽ đi theo con đường tối tăm nguy hiểm.
Nhưng ở đời, thầy lành bạn tốt dễ gì gặp, và khi gặp làm sao phân biệt được? Làm sao chúng ta có thể biết người đó là thiện hữu tri thức?
Cách duy nhất là thân cận tiếp xúc lâu ngày với người đó, sống với người đó trong những hoàn cảnh khó khăn, nghe người đó nói năng luận bàn, ta mới có thể thấy được đức hạnh, trí tuệ và sự chứng đắc của người ấy. Vì vậy, chúng ta phải sáng suốt chọn thầy lành bạn tốt thì quá trình tu tập của ta mới có thể thành tựu viên mãn trong tương lai.
5. Khó vì: Học đạo kiến tính, tùy duyên hóa độ; nhìn cảnh không động tâm, hiểu điều thuận tiện
Cái khó thứ 17 của kiếp người là khó vì “học đạo kiến tính”. Ở đây bao gồm hai phạm trù: học đạo và kiến tính.
Kiến tính nghĩa là nhìn thấy được Phật tính hay nhìn thấy bản tính thật của chính mình. Về mặt từ nghĩa, “kiến tính” và “ngộ” có cùng một ý nghĩa và chúng thường được dùng lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên khi nói về sự giác ngộ của Phật và chư tổ, người ta thường dùng chữ “ngộ” hơn là “kiến tính” vì ngộ ám chỉ một kinh nghiệm sâu hơn.
Học đạo là khó vì phải đi ngược lại dòng đời, người đời tham thì ta không tham, người đời dính mắc luyến ái vào gia đình vợ con còn ta thì phải vượt lên trên đời sống gia đình ràng buộc đó.
Còn theo giáo lý nhà Phật, học đạo có nghĩa là xem nghe lời Phật tổ dạy, và dùng trí tuệ Bát Nhã để thể nhập tự tính bằng cách tu tâm.
Nếu là người không có ý chí thì bỏ mặc nhưng vì thiết tha học đạo, cho nên cuối cùng nhận ra đạo lý chân thật không ngoài nơi thân này. Chính vì vậy học đạo, kiến tính là khó.
“Tùy duyên hóa độ” tức cái khó thứ 18 là một trong những công tác hàng đầu của tu sĩ Phật giáo. Phật tử có nhiệm vụ đem lời dạy của Phật và sự tu học của mình để truyền đạt cho mọi người cùng tham khảo học hiểu và tu học theo.
Nhưng có đủ trí tuệ và khả năng để tùy duyên hóa độ chúng sinh là rất khó bởi chúng ta thường hay áp đặt lên quan điểm và trình độ của kẻ khác, bằng sự hiểu biết của mình, mà quên đi mục đích chính là giúp người qua biển khổ sông mê, chứ không phải phổ biến quan niệm hay truyền đạt lối tu của mình.
Ngay cả đến đức Phật, khi thuyết pháp, Ngài cũng vận dụng phương tiện thiện xảo để tùy duyên tùy căn cơ mọi người mà tìm cách độ họ. Các vị thiền sư, đạo sư, cao tăng sau này cũng nhờ tùy duyên hóa độ mà làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo. Do đó, tùy duyên hóa độ là cần thiết, là khó thực hiện, là nền tảng của sự hoằng pháp, giáo dục. Cho nên tùy duyên hóa độ là khó.
“Nhìn cảnh không động tâm”, nội dung của điều khó thứ 19 này cũng tương tự với nội dung ở điều khó thứ 10 “vô tâm với cảnh”. Nhưng vô tâm ở trên được đề cập với mức độ cao hơn, sâu hơn, khó thực hiện hơn. Vô tâm là bước thứ hai. Không động tâm là bước đầu để đạt đến vô tâm.
Không thể làm được việc “không động tâm” trước cảnh trần, trước những biến loạn tinh thần thì không thể đạt được trạng thái cao nhất của vô tâm là giải thoát. Người tu đạo muốn giải thoát phải từng bước tu tâm, không cho tâm dao động.
Mọi sự tiếp xúc ta phải tập làm chủ trực tiếp từ sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Giữ quan niệm tùy duyên nhưng bất biến, việc đến thì làm, việc đi không lưu luyến.
Hiểu theo nghĩa khác, không động tâm là đối cảnh trong trạng thái Định, an tĩnh. Không dính mắc, không động tâm sẽ dẫn đến vô tâm, là tự tại, giải thoát và thường biết rõ ràng. Thế nên, thấy cảnh không động tâm là khó, là điều trân quý.
Cái khó cuối cùng trong 20 điều khó của kiếp người theo lời Phật dạy, “hiểu điều thuận tiện”.
Quan niệm về cái khó cuối cùng này cũng ít nhiều liên quan đến nội dung điều thứ 18 “tùy duyên hóa độ” chúng sinh. Điểm giống nhau giữa hai điều là cả hai cùng đề cập đến tính thuận tiện và phù hợp trong vấn đề giáo hóa độ sinh hướng dẫn cho mọi người là quan trọng cấp thiết hàng đầu.
Điểm khác nhau ở hai điều là, điều 20 này là điều kiện, là môi giới, là chất xúc tác để tạo nên điều 18. Có phương pháp thuận tiện thì chúng ta mới có thể tùy duyên hóa độ.
Thuận tiện và tùy duyên hóa độ là hai phần liên kết của một vấn đề hoằng pháp hay giáo dục.
Công tác hoằng pháp hay giáo dục vô cùng hệ trọng trong hiện tại và mai sau. Nó có thể dẫn đến ảnh hưởng tốt hoặc xấu cho rất nhiều thế hệ. Truyền đạt một quan điểm lệch lạc, mê tín, cuồng tín, tà kiến, làm ảnh hưởng xấu đến nếp sống văn hóa giáo dục, đạo đức tâm linh, sẽ đem lại bất hạnh cho nhiều người.
Và khi ta truyền đạt đúng với chính pháp, đúng với chân lý cuộc đời thì lợi ích của nó thật lớn lao, nghĩa là đem lại an lạc hạnh phúc cho nhiều người.
Chính vì vậy, những người làm công tác tuyên truyền văn hóa, giáo dục, phải ý thức rằng việc làm của ta phải có lợi ích cho nhiều người. Cho nên tìm ra phương pháp thuận tiện vốn chẳng dễ dàng.
Cuộc đời Đức Phật Thích Ca: Hào quang tỏa sáng bởi Từ Bi và Trí Tuệ hơn người
Phật dạy: 4 kiểu người tự chuốc lấy phiền muộn và bế tắc, ngụp lặn trong khổ não – Hy vọng không có bạn!
Phật dạy về vòng tuần hoàn ác tính cuộc đời: Càng nói 3 câu cửa miệng này vận khí càng kém, càng hèn kém lại càng thích nói