Quan điểm của Phật về thờ cúng tổ tiên
Đã từ lâu, bàn thờ gia tiên được lập cho người thân trong nhà và thắp hương thờ cúng để tưởng niệm, ghi nhớ ân đức sinh dưỡng của tổ tiên, ông bà. Bên cạnh đó có không ít người muốn nhờ sự hỗ trợ của họ để làm được nhiều điều mà vốn không thể làm.
Đó là thói quen khi người dương thờ người âm để họ trợ giúp, gọi là phù hộ độ trì. Được phù hộ là được may mắn. Được độ trì thì có thể làm được nhiều việc khác thường.
Theo đó, Đức Phật từng dạy Bà-la- môn rằng: “Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, nó sẽ ăn thức ăn của chúng sanh địa ngục để nuôi sống sinh mạng của nó, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm.
Vì thế, khi chúng ta thực hiện việc thờ cúng phải hiểu rằng nếu ông bà tổ tiên tái sinh là chư thiên sẽ không ăn được những gì ta thờ vì họ thấy dơ bẩn, không xứng với họ. Nếu họ đã trở thành người, sống ở nơi khác thì cũng chẳng thể nhận đồ ăn của ta. Còn nếu họ đang ở địa ngục dù đói khát đến mấy cũng không thể thoát ngục để tới uống ăn.
Chỉ riêng loài ngạ quỷ – quỷ thần là có thể ăn đồ cúng của loài người. Tức là khi người thân của ta ở nơi ngạ quỷ thì cúng kiếng cho họ sẽ thọ dụng được.
Thực tế là chúng ta không đủ khả năng để biết liệu người thân của chúng ta đã chuyển sinh về đâu nên việc dâng đồ lễ cúng lên bàn thờ chủ yếu nhằm thể hiện lòng thành, là bổn phận của con cháu mà thôi.
Không thờ cúng liệu có được?
Hơn nữa, dù có quan điểm khá rõ ràng về sự sống và cái chết như trên nhưng đối với Đạo Phật, bàn thờ gia tiên vẫn là chốn thiêng liêng – nơi thể hiện sâu sắc niềm tin tâm linh của người Việt. Và điều quan trọng là việc thờ cúng thể hiện được lòng hiếu thảo – điều đáng quý nhất của con người trong góc nhìn của Đạo Phật.
Theo lời Phật dạy về hiếu thảo thì những ai hiếu đạo, kính thờ và phụng dưỡng cha mẹ mang lại phước báo lớn… Vì thế dù không xem bàn thờ gia tiên là “nơi ở” của ông bà, tổ tiên, những người thân vì ta chẳng đủ năng lực để biết người đã khuất đã đi về đâu trong lục đạo luân hồi nhưng không thể bỏ hẳn bàn thờ.
Bàn thờ gia tiên biểu trưng cho cội nguồn cũng như việc cây có cội, nước có nguồn. Kính thờ tổ tiên luôn là việc cần thiết để bày tỏ lòng hiếu thảo, thể hiện tâm nhớ ơn và hoài nguyện đền đáp ơn sâu nghĩa nặng, chính điều này đã un đúc và hình thành nên truyền thống hiếu nghĩa quý báu của người Phật tử.
Tử đó, con cháu vì tưởng nhớ niệm ân ông bà tổ tiên nên con hiền cháu thảo phát đại nguyện làm tất cả công đức thiện lành trong khả năng để hồi hướng phước báu cho họ.
Phật giáo khuyến khích làm phước để hồi hướng cho người thân đã khuất, vì dầu họ tái sinh vào đâu cũng nhận được phước đức do con cháu hiếu thảo hồi hướng đến.
Cho nên khi thờ cúng ta chỉ cần thực hiện cái lễ đơn giản, chủ yếu là sự thành tâm, và phải tập trung việc tạo phước để hồi hướng, trao truyền hiếu đạo cho người sau. Ngày thường, chúng ta có thể tạo phước bằng việc giúp người từ tâm, người nhỏ làm việc nhỏ, ai có gì giúp nấy, không cần phải cầu kỳ, hoa mỹ.
(Tổng hợp)