Khá nhiều người hiểu lầm về Đạo Phật nên cứ mỗi khi từ “buông bỏ” được sử dụng là họ nghĩ rằng chúng ta phải bỏ hết cả công việc, nhà cửa, gia đình để đi tu. Thế nhưng sự thật là Đức Phật không giới hạn tài sản mà người cư sĩ có thể sở hữu và chẳng bao giờ khuyên ai đang tu tại gia có cuộc sống giàu có phải dừng lại việc làm giàu hay giảm thiểu tài sản của họ bớt đi.
Thậm chí việc làm giàu đối với Ngài là chính đáng vì đó là quá trình sáng tạo các phương thức kinh doanh vừa kiếm tiền lại giúp người, giúp đời. Bằng chứng là hiện nay, không ít đại gia Việt thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, nhờ đó mà có được thành công rực rỡ, thế nhưng, để không rời xa giá trị của Đạo Phật chúng ta cũng phải nhớ một số nguyên tắc sau đây:
Nhất định phải giữ chữ tín
Trong quá trình giao thương, buôn bán luôn có những sự cố khó lường nhưng đừng vì lòng tham mà cố gắng tư lợi về mình, đến khi người hợp tác cùng nhận ra sự thật, họ sẽ không còn muốn làm ăn với bạn nữa.
Vì thế, thậm chí có khi phải hy sinh một phần lớn lợi nhuận hay chịu lỗ để giữ chữ tín với khách hàng khi mình đã hứa hay cam kết, dù không bằng văn bản. Nếu có tầm nhìn xa hơn bạn sẽ biết rằng, mất mát một chút ở hiện tại suy cho cùng cũng sẽ làm lợi cho doanh nghiệp của bạn về lâu dài mà thôi.
Hợp tác phải cùng có lợi
Thực tế là việc tôi thắng – anh thua thì việc làm ăn mang tính ngắn hạn, chộp giật, có thể giành về mình chút lợi lộc nhưng mối quan hệ chẳng thể nào lâu dài, vững bền được cả.
Một trong những nguyên tắc của Đức Phật trong kinh doanh đó là hợp tác phải cùng có lợi, thế nên trong Phật giáo có câu “tự lợi tự tha”. Kinh doanh là giúp cho xã hội cân bằng và tương trợ lẫn nhau dựa vào nguyên tắc lợi mình lợi người.
Nếu muốn tốt đẹp thì phải làm cho người khác có lợi. Làm vậy thì chắc chắn những gì ta dành cho người, làm lợi cho người sẽ trở lại là lợi của ta, như câu thành ngữ “tử tế không vì người”.
Tương tự như khi chúng ta đàm phán theo nguyên tắc win-win, hai bên đều có lợi thì cũng dễ đi đến thành công, đi đến thống nhất, công việc cũng vì vậy mà thuận lợi hơn.
Không buôn gian bán lận
Tuy nhiên, không phải khi nào cũng quá thật thà với cách thức làm ăn của mình mới là tốt, dù sao cũng cần linh hoạt trong việc ứng dụng Đạo Phật trong kinh doanh.
Trong kinh Phật, có thí dụ rằng, một nhà sư đang ngồi thiền trong rừng, thấy một con nai chạy ngang qua. Lát sau, người thợ săn đến hỏi. Nhà sư trả lời, ta không thấy con nai nào cả. Đây là lời nói dối có lợi và không bị coi là vi phạm giới luật của nhà Phật.
Theo đó, lời nói dối hay không dối không quan trọng bằng lời nói đó có hại người hại mình hay không. Nói thật mà hại mình hại người thì còn nguy hiểm hơn là nói dối nhưng lợi mình, lợi người.
Theo Phật giáo, quan trọng nhất là ý nghĩ của họ có tốt đẹp hay không chứ không chỉ ở lời nói. Trong thực tế kinh doanh hiện nay, có những doanh nghiệp tìm những điểm yếu của sản phẩm đối thủ làm ra, rồi bằng cách này cách khác, rỉ tai nhau hoặc tung tin làm hại. Rõ ràng, lời nói là thật, nhưng được thực hiện với động cơ triệt hạ nhau.
Kinh doanh là để đóng góp thiết thực cho xã hội
Họ cũng cần thực hiện nghĩa vụ nhân văn, đóng góp thiết thực cho xã hội. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những chương trình hướng về cộng đồng rất thiết thực đáng được ca ngợi. Nghĩa vụ kinh tế chỉ là một trong những trách nhiệm xã hội mà người làm kinh doanh phải lưu tâm.
Chúng ta còn phải nhắc đến nghĩa vụ đạo đức, dù không được quy định trong luật pháp nhưng đây chính là giá trị tạo nên hình ảnh hay thương hiệu của một công ty. Ví dụ những công ty quan tâm tới các vấn đề liên quan tới môi trường, tới đời sống người dân xung quanh nhà máy của họ sẽ có được lòng tin của người tiêu dùng hơn những công ty không thể hiện trách nhiệm của mình tới vấn đề này.
Một câu quan trọng trong kinh Bại vong (Parabhava) cho ta thấy quan điểm của Đức Phật rằng tài sản cá nhân không chỉ dành cho bản thân. Ngài nói: “Nếu một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”.
Đức Phật khuyến khích những ai “tích lũy tài sản lớn, nhưng không bị đắm chìm trong đó”. Đó là ý nghĩa cuộc sống đã truyền cảm hứng cho rất nhiều cá nhân cũng như doanh nghiệp ngày càng có nhiều hơn các hoạt động thiết thực phục vụ cho cộng đồng, xã hội.